CHUYẾN TỪ THIỆN XUYÊN VIỆT LẦN THỨ 6 |
Sáng ngày 1 tháng 3 năm 2013, sau 3 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, băng qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, đoàn đến chùa Pháp Hải – huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.Chúng tôi không ngăn được nỗi xúc động nghẹn ngào, khi nhìn thấy những người tàn tật. Được may mắn sinh ra làm người, nhưng vì một nguyên do nào đó, mà họ thật kém may mắn – họ không thể đi lại, và vậy là thế giới của họ chỉ gói gọn trong những căn nhà, bên những bức tường, và vì lẽ đó, mà dường như họ đánh mất đi một phần sức sống, một phần niềm tin mà đáng lẽ ra là của họ. Hiểu, và thương cảm với những nỗi đau ấy, đoàn đã tặng họ 15 chiếc xe lăn. Nơi đây Hội đã cấp gạo định kỳ hàng tháng cho 48 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, học bổng cho 19 em học sinh thuộc gia đình nghèo nhưng học rất giỏi cách đây một năm. Được biết đây là những gia đình không có ruộng đất canh tác. Cha mẹ các em phải làm thuê những mong kiếm được tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Hi vọng rằng, các em sẽ thay cha mẹ, phấn đấu hơn, để tìm được cho mình một con đường, một lẽ sống, để có thể thay đổi tương lai các em, thay đổi được cuộc sống của gia đình. Chuyến này về, chúng tôi phát thêm quà cho họ và 120 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn khác.Rời khỏi Chùa Pháp Hải, lòng chúng tôi hân hoan khi vừa làm được một việc thiện có ý nghĩa. Nhưng cũng bùi ngùi khi nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn đang chờ đợi chúng tôi ở địa điểm kế tiếp.
Trong chiều cùng ngày, đoàn chúng tôi đến chùa Giác Hoa, huyện Tân Thành, tỉnh Long An. Đây là vùng sâu vùng xa giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp thuộc xã Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây, và Nhơn Ninh. Cũng như ở chùa Pháp Hải – Tây Ninh, Chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những cụ già yếu đuối, lại bị tàn tật ngồi trên những chiếc xe lăn trông thật đáng thương. Bên cạnh đó có khoảng gần 200 đối tượng già cả neo đơn và các em học sinh nghèo. Trong đó có 44 cụ được cấp gạo hàng tháng và 18 em học sinh nghèo được cấp học bổng. Còn những đối tượng còn lại, tuy họ rất khổ nhưng chúng tôi không đủ khả năng để bảo trợ nên đành giúp họ mỗi người một phần quà đột xuất. Mong rằng những phần quà nhỏ bé này sẽ xoa dịu họ phần nào nỗi khó khăn trong đời sống hàng ngày của họ. Chúng tôi hi vọng, đoàn đã phần nào thực hiện được trách nhiệm chuyển tải những tấm lòng vàng từ những nhà hảo tâm ở bên kia nửa vòng trái đất về xoa dịu những mảnh đời đói khổ nơi quê hương mình. Chúng tôi lại tiếp tục đến Chùa Liên Hoa – Huyện Châu Thành – Tỉnh Trà Vinh. Hơn 200 đối tượng già cả neo đơn tật nguyền đang chờ đợi chúng tôi dưới mái chùa thân thương nơi làng quê nghèo. Trong đó có 48 đối tượng già cả neo đơn được nhận mỗi tháng 10 kg gạo và 21 phần học bổng do những bàn tay nhân ái từ Mỹ và Canada bảo trợ. Bên cạnh đó 17 đối tượng kém may mắn được nhận xe lăn và 158 phần quà đột xuất cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình chuyên chở tình thương đến Tịnh thất Ngọc Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nơi mà đoàn của chúng tôi đã phát quà cách đây 2 năm và chúng tôi đã hứa với lòng là sẽ trở lại nơi này trong một thời gian rất gần, vì chúng tôi đã tận mắt chứng kiến được nơi này có nhiều người quá khổ. Vẫn biết, nơi nhân gian này khổ đau chồng chất, thế nhưng nhìn những cảnh tượng này, chúng tôi không thể thốt nên lời. Vì trước mắt chúng tôi là đồng bào mình, là những em bé dị dạng bẩm sinh đang quằn quại trong vòng tay mẹ.
Tại đây, chúng tôi đã gửi tặng 11 chiếc xe lăn dành cho 11 đối tượng tật nguyền già yếu, sống nhờ vào tình thương của mọi người, 5 chiếc xe lắc dành cho những người tuy bị tàn tật nhưng có trách nhiệm tự nuôi sống bản thân mình và gia đình bằng nghề bán vé số. Họ rất mừng khi nhận được những chiếc xe lắc này, vì từ đây họ có phương tiện để tạo ra đồng tiền, mặc dù rất ít ỏi. 41 phần gạo hàng tháng đã được quý Ni Sư ở chùa thay mặt chúng tôi cấp cho họ đều đặn. Chúng tôi cũng không quên mang theo quà để tặng cho 22 em học sinh nghèo được cấp học bổng. Còn 150 hoàn cảnh khó khăn khác, chúng tôi chỉ biết giúp họ bằng những phần quà đột xuất. Tạm biệt Trà Vinh, chúng tôi tiếp tục đi đến Vĩnh Long. Nhìn những đóa sen bên đường, lòng chúng tôi lại khấp khởi, bởi chúng tôi biết, chúng tôi đang đi gieo hạt từ tâm trên chính quê hương mình. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới Long Hưng Tự, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi chùa này là do nhóm Tịnh Độ Cư Sĩ sinh hoạt, chuyên dùng Thuốc Nam để chữa bệnh cho người nghèo. Thật là một nghĩa cử cao đẹp đáng quý. Đây là vùng đất người dân tộc chiếm đa số. Họ rất nghèo, tánh tình thuần hậu, đơn sơ mộc mạc. Khi nhìn thấy những người già yếu bệnh tật, chúng tôi ước gì mình có khả năng giúp họ nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Suốt gần 3 năm, chúng tôi đã giúp gạo hàng tháng cho 34 cụ già neo đơn và những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nơi này. 18 em học sinh nghèo được cấp học bổng cách đây một năm. Vì người khổ quá nhiều nên chúng tôi phát 170 phần quà đột xuất. Sáng ngày 4 tháng 3, tiếp tục đi sâu vào các tỉnh miền Tây. Băng qua cầu Cần Thơ và vài cây cầu nhỏ, xuyên qua những mái nhà tranh xiu vẹo, đoàn chúng tôi đếnchùa Thời Hưng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa tuy nhỏ nhưng trông rất xinh, nằm rất sâu trong vùng quê nghèo. Quý Ni Sư thường xuyên hướng dẫn người dân nơi đây tu tập và chia sẻ từng miếng cơm manh áo cho bà con nghèo. Mặc dù chưa đến giờ phát quà, nhưng những người già cả neo đơn bệnh tật đã ngồi chờ đợi chúng tôi từ lâu. Đối với chúng tôi, những phần quà mà chúng tôi dành cho họ còn khiêm tốn lắm, nhưng đối với họ thật to lớn cùng cùng. Bởi vì họ là những người mất sức lao động, lại ít có ai giúp đỡ. Nơi đây chúng tôi giúp gạo định kỳ hàng tháng cho 46 cụ già neo đơn, 16 phần học bổng cho các em học sinh nghèo, 16 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, và 130 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn. Rời Sóc Trăng, đoàn chúng tôi đến tỉnh Bạc Liêu trong chiều cùng ngày để kịp phát quà tại chùa Vĩnh Thái An, tỉnh Bạc Liêu. Ngôi chùa nằm rất sâu bên kia bờ của một dòng sông nhỏ bị khô nước. Chúng tôi phải đi bộ trên chiếc cầu khoảng vài phút giữa trưa hè nóng bức mới đến được chùa.
Cũng như những nơi khác, đối tượng nhận quà đã chờ đợi chúng tôi từ lâu. Được biết đây là vùng đất khô cằn, không thích hợp cho nghề trồng lúa nên những năm gần đây, những người có vốn đầu tư vào nghề nuôi hải sản, nhưng lại bị thất bại. Nhìn những nét mặt già nua cằn cổi với những ánh mắt trông chờ đủ cho chúng tôi cảm nhận được họ sống cực khổ như thế nào. 50 suất gạo định kỳ đã được cấp cho những hoàn cảnh neo đơn tật nguyền nơi này cách đây gần 1 năm, 11em học sinh được cấp học bổng để được tiếp tục cấp sách đến trường. Còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn và những người nghèo khổ khác chúng tôi không đủ khả năng bảo trợ nên tặng cho họ 120 phần quà đột xuất. Chiều ngày 5 tháng 3, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình chuyên chở tình thương đến chùa Hưng Thiện, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu. Chùa nằm bên cạnh dòng sông cách xa bãi đậu xe khoảng vài cây số nên chúng tôi đi vào bằng thuyền. Đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa được có cảm giác ngồi trên thuyền nhìn ngắm sông nước Miền Tây thân yêu như thế này. Chúng tôi cảm thấy rất thích thú, nhưng cũng không quên những người nghèo khổ đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước. Sắp đến chùa, chúng tôi thấy tôn tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát rất cao hiện ra phía trước. Khi thuyền cập bến, chúng tôi vội vã bước lên chùa để được đảnh lễ và ngắm nhìn tôn tượng một cách trang nghiêm. Chúng tôi tiến đến gần tôn tượng và thấy những đối tượng nhận quà đã tập trung đông đủ trong một giang phòng lớn nằm ngay dưới tòa sen của tôn tượng Đức Quan Thế Âm. Thế mới biết tôn tượng cao lớn biết dường nào. Hình ảnh các cụ già neo đơn và những người tàn tật lại hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhìn họ chúng tôi tự hỏi, sao trên cuộc đời này lại có nhiều người khổ như thế này. Những gì chúng tôi có thể giúp họ là những món quà nhỏ bé gồm 45 phần gạo định kỳ hàng tháng, 6 chiếc xe lăn, và 120 phần quà đột xuất. Sáng ngày 7 tháng 3, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng về Đình Điền Trang, thuộc xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi Đình nằm khuất sâu trong hẻm.
Khi đến nơi, chúng tôi thấy những đối tượng tàn tật chưa được ngồi trên những chiếc xe lăn mà chúng tôi đã chuyển xuống trước. Thân thể họ gầy gòm, trọng lượng không nặng lắm nên chúng tôi bế họ một cách nhẹ nhàng đặt vào những chiếc xe lăn đã được đặt sẵn. Họ rất vui khi được ngồi trên những chiếc xe lăn mới này, vì đối với họ chiếc xe lăn là đôi chân để đi lại mà đã từ lâu họ chỉ biết mơ ước chứ chưa có được. Cũng tại nơi này chúng tôi đã giúp gạo hàng tháng cho 34 cụ già neo đơn bệnh tật, và cấp học bổng cho 12 em học sinh nghèo học giỏi trong suốt 3 năm qua. Chuyến này về chúng tôi tặng thêm quà cho họ và 123 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường trong chiều cùng ngày để đến chùa Bình Linh, huyện Gò Công Tây, Tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa cuối cùng trong cuộc hành trình làm từ thiện của chúng tôi tại các tỉnh Miền Tây thân yêu. Ấn tượng nhất cũng lại là những người già yếu tật nguyền. Nhìn họ từng người được bồng bế đặt vào những chiếc xe lăn trông thật đáng thương làm sao. Chúng tôi không những thương họ mà còn cảm thấy thương cho những người thân trong gia đình của họ. Vì họ đã nghèo lại còn phải cưu mang, chăm sóc những người tàn tật này cho đến suốt cuộc đời của họ. Không biết làm gì hơn, chúng tôi tặng 10 chiếc xe lăn và quà cho họ. Nơi đây có 59 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được chùa thay mặt chúng tôi phát cho họ mỗi tháng 10 kg gạo sống qua ngày, 20 em học sinh nghèo được cấp học bổng. Chuyến này về chúng tôi còn tặng thêm quà cho họ và 120 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Sáng ngày 8 tháng 3, sau khi nghỉ tại Sài Gòn một đêm dưỡng sức, chúng tôi tiếp tục lên đường hướng về chùa Bảo Huệ, Huyện thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai. Ngôi chùa trông rất đẹp và trang nghiêm. Tôn tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đầy lòng Từ Bi truyền cho chúng tôi thêm năng lực yêu thương đến với mọi người. Mặc dù chuyến từ thiện lần này chúng tôi đã cố gắng nỗ lực vận động và đã được các mạnh thường quân phát tâm mạnh mẽ hơn những chuyến trước, nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho những hoàn cảnh khó khăn ở các nơi. Nhất là thành phần các em học sinh nghèo. Đúng ra các em chỉ được nhận những phần học bổng và những chiếc cặp táp với một số vật dụng cần thiết cho việc học. Nhưng sau khi chúng tôi khảo sát từng nhà của các em và đã thấy rõ tận mắt, các em cũng thuộc những gia đình nghèo túng, sống trong những chiếc chòi tranh đơn sơ mộc mạc, nên chúng tôi cấp thêm những phần quà đột xuất, trong đó gồm có gạo, mì gói. v.v…như những đối tượng khó khăn khác. Nơi đây chúng tôi đã phát quà cho 35 hoàn cảnh kém may mắn được nhận gạo hàng tháng, 16 đối tượng tàn tật được nhận xe lăn, 20 em học sinh nghèo được cấp học bổng, và 146 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn. Sáng ngày 9 tháng 3, chiếc xe nhân ái của chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh đếnchùa Khánh An, Huyện Bình Châu, TP Vũng Tàu. Ngôi chùa rất nhỏ vừa được xây dựng cách đây vài năm. Sư Cô trụ trì hướng dẫn mọi người tiếp đón chúng tôi một cách nồng nhiệt.
Các đối tượng nhận quà đã tập trung đông đủ với những ánh mắt trông chờ những món quà tình nghĩa của những tấm lòng vàng ở cách xa bên kia nữa vòng trái đất. Trong đó gồm có 49 cụ già neo đơn không nơi nương tựa được Hội giúp gạo hàng tháng cách đây gần một năm, 15 em học sinh nghèo được cấp học bổng, 12 đối tượng tàn tật được nhận xe lăn, và 120 đối tượng thuộc hoàn cảnh khó khăn được nhận những phần quà đột xuất. Sáng ngày 10 tháng 3, chúng tôi hướng về Chùa Giác Hải, Phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận. Người dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt tôm cá ngoài biển khơi. Những năm gần đây nghề này gặp rất nhiều khó khăn do tôm cá gần bờ còn rất hiếm, ngư dân phải đi thật xa mới đánh bắt được. Có nhiều lúc thuyền trở vào bờ lại bị lỗ dầu. Vì thế mà đời sống của những người già neo đơn mất sức lao động không được sự quan tâm giúp đỡ nhiều như những nơi khác.
Khi hay tin đoàn chúng tôi về, những đối tượng nhận quà đã có mặt đông đủ trước giờ ấn định. Trong đó có 61 cụ già neo đơn được nhận mỗi tháng 10 kg gạo, 120 hoàn cảnh khó khăn không nằm trong danh sách bảo trợ được nhận những phần quà đột xuất, và 46 em học sinh nghèo được cấp học bổng. Đó là những em thuộc gia đình nghèo túng nhưng học rất giỏi. Chúng tôi muốn hổ trợ các em học đến nơi đến chốn, đặng sau này các em có một cái nghề ổn định chứ không phải sống bằng nghề đánh bắt tôm cá vất vã như những phụ huynh của các em. Sáng ngày 11 tháng 3, Chúng tôi đã có mặt tại chùa Tường Xuân, Huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận. Đây là vùng đất gần giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận. Đa số người dân nơi đây thuộc dân tộc Chăm. Những người già thường quấn những chiếc khăn to lớn trên mái tóc theo truyền thống văn hóa của họ.
Tuy những hội viên của chúng tôi đa phần là những người Phật Tử, nhưng những đối tượng chúng tôi giúp không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Vì lòng Từ Bi của Đạo Phật thật vô lượng vô biên không có ranh giới. Chúng tôi ước gì mình có thêm khả năng để có thể nới rộng bàn tay nhân ái đến với những nước nghèo đói trên thế giới. Có thực hiện được điều này hay không, chúng tôi chỉ biết kỳ vọng vào những trái tim nhân ái. Nơi đây chúng tôi đã giúp gạo định kỳ hàng tháng cho 43 đối tượng già cả, neo đơn suốt gần 5 năm qua. 21 em học sinh nghèo được cấp học bổng cách đây gần 1 năm. Chuyến này về chúng tôi tặng thêm quà cho họ và 140 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Chiều ngày 11 tháng 3, xe chúng tôi chầm chậm lăn bánh trên con đường nhỏ chính giữa 2 bên trồng rất nhiều cây Nha Đam để đến Tịnh Thất Ngọc Hải, Xã Vân Hải, tỉnh Ninh Thuận. Đa số người dân nơi đây sống bằng nghề trồng cây Nha Đam với nguồn thu nhập rất ít ỏi. Những người già nua bệnh tật trông thật đáng thương đã chờ đợi chúng tôi từ lúc nào? Nhìn thấy họ mà lòng chúng tôi thật xúc động nghẹn ngào. Ai cũng muốn làm một điều gì đó giúp họ ngay tức khắc để phần nào xoa dịu họ trong cơn đau yếu. Người xoa lưng, người bưng nước cho các cụ già uống một cách thân thiết. Chúng tôi muốn nói cho họ biết rằng ở một nơi rất xa, cánh nữa vòng trái đất còn có rất nhiều người âm thầm nhín nhịn giúp đỡ họ mỗi tháng 10 kg sống qua ngày. Vì số lượng người già yếu neo đơn ở nơi đây quá nhiều nên chúng tôi đã giúp gạo hàng tháng cho 66 cụ trong suốt 3 năm qua. Còn nhiều hoàn cảnh khổ nữa chúng tôi không đủ khả năng bảo trợ nên đành giúp 120 phần quà đột xuất. Sáng ngày 12 tháng 3, đoàn chúng tôi đến Tịnh xá Ngọc Nghĩa – Cam Ranh, vùng đất giáp ranh với TP biển Nha Trang. Cam Ranh dù có đổi thay, kinh tế xã hội ngày một phát triển, nhưng vẫn còn những mái nhà mà trong đó có bao thân phận còn khổ đau vì bệnh tật, vì đói nghèo, và nhiều thân phận hẩm hiu neo đơn không nơi nương tựa. Khi chúng tôi đến, mọi người như có thêm nguồn sinh lực mới, vì biết rằng chúng tôi sẽ phát cho họ những phần quà có thể giúp họ vượt qua những ngày khốn khó trong một thời gian ngắn. Nơi đây chúng tôi đã giúp gạo hàng tháng cho 63 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và 120 phần quà đột xuất cho nhựng đối tượng khó khăn còn lại. Sáng ngày 13 tháng 3, Chúng tôi vội vã bước lên thuyền để kịp giờ phát quà tạichùa Sơn Hải, Vạn Giả, Huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa. Lần đầu tiên chúng tôi mới có được cảm giác ngồi lênh đênh trên thuyền vượt biển hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến được điểm phát quà. Chúng tôi chia nhau từng khúc khoai mì ăn lót lòng để có sức làm việc. Sau một thời gian dài ngồi trên thuyền nghĩ ngợi bâng quơ, không biết người dân sống ra sao trên những hòn đảo cách xa đất liền như thế này. Cuối cùng ngôi chùa cũng từ từ hiện ra trước mắt chúng tôi. Chùa nằm trên một ngọn đồi trông rất thoáng mát. Khi thuyền cập bến, chúng tôi quan sát xung quanh và thấy được nhiều ngôi nhà mọc san sát lẫn nhau chẵng khác gì đời sống trong đất liền. Sau 5 phút đi bộ lên dóc theo con đường nhỏ, chúng tôi mới đến được cổng chùa. khí hậu ở đây mát mẻ và yên tịnh, thích hợp cho những ai tìm nơi thanh vắng tu tập, tầm cầu giải thoát. Những đối tượng nhận quà đã tập trung đông đủ. Họ là những người già cả neo đơn bệnh tật và các em học sinh ở 3 đảo hợp lại, gồm có 28 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận gạo hàng tháng, 96 đối tượng được nhận những phần quà đột xuất và 4 em học sinh nghèo được cấp học bổng. Đó là những em học sinh cấp 2 trở lên. Các em phải rời đảo ở trọ trong đất liền để được tiếp tục cấp sách đến trường. Bởi vì ở những hòn đảo này chỉ có trường lớp cho các em học cấp 1 trở xuông. Chúng tơi không có chương trình cấp học bổng cho các em học cấp 1 nên đành tặng cho các em những phần quà đột xuất. Mang theo những cảm xúc đong đầy tình nghĩa, 8 giờ sáng ngày 14 tháng 3, chúng tôi có mặt tại Chùa Liên Trì, huyện Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây đất chật, người đông nên cũng còn nhiều mảnh đời bất hạnh. Càng tìm hiểu càng bắt gặp thêm nhiều hoàn cảnh thương tâm, khiến chúng tôi không sao dằn được lòng thương cảm. Ước gì chúng tôi có thể làm hơn thế nữa, để cho những hoàn cảnh éo le như thế ở nhiều nơi khác cũng được sự sẻ chia của chúng tôi. 14 phần gạo định kỳ, 4 phần học bỗng cho học sinh nghèo, 10 chiếc xe lăn cho những người bị tàn tật và 136 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn chẳng đủ để đáp ứng sự thiếu thốn của bà con nghèo nơi này, nhưng đó cũng là sự cố gắng hết sức của chúng tôi. Chúng tôi hứa với lòng, trong tương lai sẽ cố gắng giúp họ được nhiều hơn. Sáng ngày 15 tháng 3, sau một đoạn đường dài dọc theo bờ biển, mang theo bao nổi niềm trăn trở, chúng tôi đến Chùa Từ Phước, huyện Sa Quỳnh, tỉnh Quãng Ngãi. Mỗi bước chân đi, chúng tôi mang theo bao ân tình của những tấm lòng nhân ái đã dành dụm đóng góp, mong quê hương mình bớt khổ, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng do thiên tai, bảo lụt triền miên. Chúng tôi bồng bế từng cụ già yếu đuối, tàn tật ngồi vào 11 chiếc xe lăn đã được đặc sẵn. Bên cạnh đó, 36 cụ già neo đơn đã được Hội chúng tôi cấp gạo hàng tháng cách đây 3 năm và 150 đối tượng được cấp quà đột xuất ngồi đó với những ánh mắt trong chờ trông thật đáng thương làm sao. Những phần quà này là sự cố gắng hết sức của chúng tôi cũng không sao đáp ứng nỗi số lượng những hoàn cảnh khó khăn nơi đây. Chúng tôi lại vội vã lên đường trong chiều cùng ngày 15 tháng 3 để kịp phát quà tại Chùa Thủy Long, tỉnh Quãng Ngãi. Chùa nằm khuất sâu bên trong, xe vào không được nên chúng tôi lại có cơ hội đi bộ trên con đường làng nhỏ thân thương để được vào đến chùa. Ngôi chùa hiện ra trước mắt với tấm bảng hiệu đón tiếp Hội Từ Thiện Bàn Tay Nhân Ái một cách nồng nhiệt. Ngôi chùa nhỏ bé thân thương nơi làng quê nghèo này đã liên tục tổ chức những khóa tu hướng dẫn mọi người tu tập. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều thân phận không may bị tật nguyền hoặc già yếu neo đơn, không nơi nương. Họ xuất hiện trước mắt chúng tôi một cách đáng thương. Sau khi được chúng tôi bồng bế đặt vào những chiếc xe lăn, họ nở những nụ cười biết ơn như chưa bao giờ nhận được món quà to lớn như thế. Họ đâu biết rằng ngoài những chiếc xe lăn, chúng tôi còn tặng thêm cho họ gạo, mì gói, xâu chuổi, máy niệm Phật, dầu gió v.v…. Qua quá trình đến từng nhà khảo sát từng đối tượng cách đây một năm tại vùng này, chúng tôi đã cấp gạo hàng tháng cho 54 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa và 20 em học sinh nghèo được cấp học bổng. Chuyến này về, chúng tôi tặng thêm quà cho họ và 20 đối tượng được nhận xe lăn. Bên cạnh đó 120 hoàn cảnh khó khăn được nhận những phần quà đột xuất. Sáng ngày 17 tháng 3, chiếc xe đong đầy tình thương của những bàn tay nhân ái ở bên kia bờ đại dương lại tiếp tục lăn bánh đến Chùa Diệu Viên, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên. Đây là nơi mà chúng tôi dành sự quan tâm nhiều nhất trong những năm qua. Cố đô Huế vẫn nổi tiếng thơ mộng và thanh bình đến kì lạ, thế nhưng, ở nơi đây, vẫn còn đâu đó nhiều mãng đời bất hạnh. Lại một lần nữa chúng tôi bật khóc vì khi nhìn thấy những bà cụ mù lòa. Nơi đây chúng tôi đã cấp gạo hàng tháng cho 53 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn suốt 3 năm qua, 20 em học sinh nghèo được cấp học bổng cách đây 1 năm. Chuyến này về chúng tôi tặng 140 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn và 30 chiếc xe lăn cho những đối tượng tàn tật. Tạm biệt TP Huế, chúng tôi tiếp tục lên đường trong chiều cùng ngày để kịp phát quà tại Chùa Nại Cửu, Xã Nại Cửu, tỉnh Quãng Trị. Khi thấy chúng tôi đến, những đối tượng nhận quà rất mừng và đón tiếp chúng tôi một cách trịnh trọng. Chúng tôi gặp lại những cụ già và các em học sinh thân quen mà cách đây 3 năm chúng tôi đã có dịp đến nhà, từng đối tượng để cấp những cuốn sổ nhận gạo hàng tháng và những phần học bổng cho các em học sinh nghèo. Điều đáng quý ở nơi này là đời sống nhiều gia đình rất cơ cực, nhưng cha mẹ của các em học sinh cố gắng làm lụng vất vã để lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Chúng tôi tiếp sức họ bằng cách cấp 8 phần học bổng cho các em học sinh giỏi thuộc hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Còn nhiều em nữa chúng tôi không đủ khả năng bảo trợ nên tặng cho các em những phần quà đột xuất. Tổng cộng nơi đây có 59 cụ già neo đơn được nhận mỗi tháng 10 kg gạo, và 120 hoàn cảnh khó khăn được nhận những phần quà đột xuất. Sáng ngày 18 tháng 3, Đoàn Từ Thiện Bàn Tay Nhân Ái chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến Chùa Phổ Minh, Tỉnh Quảng Bình. Đây là điểm phát quà cuối cùng của 23 ngôi chùa mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt gần 3 tuần lễ qua. Sân chùa đông đúc những đối tượng nhận quà. Ấn tượng nhất vẫn là những người tàn tật ngồi trên những chiếc xe lăn. Nhìn họ mà lòng chúng tôi nghẹn ngào thương xót. 25 chiếc xe lăn được chở ra nơi này cũng không đủ để đáp ứng số lượng cần nhận, chúng tôi đành hẹn họ dịp khác vậy. 34 cụ già neo đơn được nhận gạo hàng tháng và 100 hoàn cảnh khó khăn được nhận những phần quà đột xuất cũng đã có mặt. Suốt những tháng ngày dong duổi ở các tỉnh miền Tây, rồi miền Trung, hình ảnh những cụ già neo đơn, những con người tàn tật cứ đong đầy trong tâm trí chúng tôi. Liệu cuộc sống tươi đẹp này có còn bất công với họ? Liệu họ có thể vươn lên chống chọi với những đớn đau cả về vật chất lẫn tinh thần? Và rồi, chúng tôi sẽ phải làm gì để có thể giúp đỡ nhiều hơn ? Những người Việt xa xứ, mỗi người mỗi số phận mỗi hoàn cảnh, họ sinh ra trên mảnh đất hình chữ S nhưng lại đi khắp muôn nơi làm nên cuộc sống muôn sắc. Những người Việt ở Biển Hồ, Campuchia, đều đang rất nghèo khổ về cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Nhiều nơi không có điện, không có nước sạch, người dân chủ yếu chỉ sống dựa vào dòng sông Mê kong. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chài lưới, và mua bán trên sông. Hơn thế nữa sống trên những chiếc thuyền ọp ẹp, họ không có điều kiện đầu tư vào thuyền bè, vì họ sống bơ vơ, hoàn toàn không có giấy tờ.Nhiều con em người Việt ở đây, không được học hành, không được hưởng thụ những điều cơ bản mà trẻ em nơi khác từng có. Ngày ngày sống trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh, nhiều em nhỏ người Việt thậm chí chưa bao giờ biết tới những từ như “trường lớp”, “sách vở”, “đi học” là gì? Chúng tôi không nắm rõ số lượng có bao nhiêu gia đình đang sinh sống tại đây, vì họ không phải ở một chổ mà được chia ra rất nhiều vùng. Dự trù của chúng tôi ngày hôm nay là phát 250 phần quà cho 250 gia đình ở cách xa bờ hồ khoảng gần 2 giờ đồng hồ đi thuyền và 750 phần quà cho 750 gia đình sinh sống ở gần bờ. Chúng tôi muốn giúp hết các vùng xa còn lại, nhưng vì khả năng không cho phép, nên đành hẹn lại một dịp khác vậy. Thuyền của chúng tôi được cập bến trước một ngôi chùa nổi có tên là Phước Hải Tự. Đây cũng là địa điểm mà chúng tôi sẽ cấp phát 250 phần quà cho những gia đình đang sinh sống ở vùng này. Dẩu biết rằng đây là những món quà nhỏ bé xoa dịu họ trong một thời gian rất ngắn, nhưng biết làm gì hơn khi khả năng của chúng tôi không cho phép chúng tôi làm hơn thế nữa. Sau khi phát quà xong, thuyền chúng tôi quay ngược trở lại bờ để chuẩn bị phát quà cho 750 gia đình đang sinh sống gần bờ. Nơi đây được may mắn hơn ở những vùng khác là có một lớp học dành cho các em học sinh nhỏ từ cấp một trở xuống. Mái trường này cũng chính là nơi tập trung để chúng tôi phát 750 phần quà, trong đó gồm có gạo, Mì gói, và tịnh tài của những Phật Tử đi cùng đoàn với chúng tôi. Khi đến nơi, chúng tôi thấy mọi người tập trung đông đủ, ngồi trên những chiếc xuồng nhỏ bé xoay quanh tấm bảng hiệu “chào mừng Hội Từ Thiện Bàn Tay Nhân Ái”. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời của chúng tôi chứng kiến một số lượng quá đông người ngồi trên những chiếc xuồng như thế. Người sắp sếp chương trình nói “không thể tập trụng hết mọi người trên chiếc Xà Lang được mà phải phát quà bằng cách cho từng xuồng lướt ngang qua và chúng tôi đưa quà xuống theo số lượng thâu phiếu”. Chúng tôi tiếp nhận ý kiến đó và đã thực hiện một cách tốt đẹp. Sau vài giờ làm việc hăng say, chúng tôi cũng đã phát xong 750 phần quà cho bà con khốn khổ ở vùng này. Tuy mệt nhưng lòng chúng tôi cảm thấy phơi phới nhẹ nhàng, vì mình đã giúp được những người Việt Nam lưu vong có từng bát cơm, từng gói mì no lòng trong một thời gian ngắn. Mỗi chuyến xe, mỗi bước chân chúng tôi rong ruổi khắp mọi miền đều mang theo đầy ắp những tấm lòng nhân ái. Những sự đóng góp của những nhà hảo tâm ở cách xa nửa vòng trái đất đã được chúng tôi chuyển đến những mảnh đời bất hạnh, mong họ có thêm nghị lực để sống cho thật tốt trong những ngày còn lại của đời mình. Con người nếu có tấm lòng thì dù ở đâu, bất cứ phương trời nào cũng có thể hướng về nhau bằng tất cả tấm lòng Từ Bi và yêu thương. |
Source: http://www.bantaynhanai.org/newsdetail.asp?id=293&loai=